Tại sao khi bước ra trường đời, những người học kém lại thường thành công, làm sếp lớn, giàu có hơn những người học giỏi?

Tại sao học kém và học giỏi sau này trải đời thường có kết quả đối nghịch lại nhau như vậy

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó bất cứ người bố hay người mẹ nào đều muốn con em của mình học giỏi, đạt thật nhiều điểm cao mỗi khi đi học. Họ thậm chí còn đặt kì vọng vào điểm số tuyệt đối trong suốt quãng đời học tập của con mình.

Do đó, điểm số mà thấp hơn kì vọng thì đều đem đến sự thất vọng. Điều này đã tạo nên một niềm tin rằng những đứa trẻ có kết quả học tập tốt ắt sẽ thành công trong tương lai và ngược lại.

Nói đến đây không có nghĩa là tôi không ủng hộ việc gặt hái được nhiều điểm tốt, mà trái lại, tôi vẫn luôn động viên con mình cố gắng đạt nhiều điểm cao nhất có thể.

Nhưng vấn đề là ở chỗ: khả năng học tập tốt trên lớp chỉ đồng nghĩ với việc đứa trẻ đó sẽ đạt được điểm cao trong các kì thi và làm bố mẹ chúng vui, chứ nó không đảm bảo rằng đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành một doanh nhân đại tài hay một giám đốc quyền lực.

Không phải là một sinh viên xuất sắc, học giỏi khi còn ngồi trên ghế trường đại học, tôi đã nhận ra được một sự thật rằng: những sinh viên giỏi, xuất sắc rất ít khi thể hiện khả năng lãnh đạo của mình vì dường như họ sẽ không trở thành bất cứ một ông chủ hay bà chủ nào trong tương lai.

Học viện Quân sự Hoa Kỳ (West Point) đã thực hiện nghiên cứu trên các học viên đã tốt nghiệp để xem điểm số của họ tương quan thế nào đến cấp bậc mà họ sở hữu sau này.

Một số lượng vượt trội những học viên trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội Hoa Kỳ – lãnh đạo hàng nghìn người và quản lí những ngân sách hàng tỉ đô la – đều không phải học viên xuất sắc trước đây.

Điều này cho thấy rằng những tổ chức hàng đầu không đòi hỏi trí tuệ hay kiến thức thuần túy. Sinh viên học giỏi có thể trở thành giáo sư, kĩ sư hay nhà khoa học, và họ sẽ đóng góp được rất nhiều theo phương diện cá nhân, nhưng ngược lại kĩ năng giao tiếp hay làm việc nhóm lại có phần yếu thế hơn.

Hồi còn học ngành kĩ sư ở trường đại học, tôi chưa bao giờ là người thông minh nhất lớp. Không giống như những người bạn thiên tài mà sau này vẫn tiếp tục sự nghiệp học tập nổi bật, tôi thay vào đó học được những thứ có thể gắn kết và tạo động lực cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Đó cũng chính là điều mà không phải bất cứ một học sinh hay sinh viên siêu thông minh có thể làm được – sử dụng cả kiến thức và cảm xúc để truyền đi cảm hứng tới mọi người.

Vậy còn những học sinh được coi là học kém, dưới cả mức trung bình thì sao? Tôi đã từng được nghe một câu chuyện về một nhà từ thiện giàu có quay trở lại thăm trường cũ.

Khi về thăm trường, anh ta có nói với một trưởng khoa tại trường rằng: “Những sinh viên giỏi sau này sẽ trở thành giáo sư của trường, những sinh viên có kết quả học tập bình thường, ở mức trung bình sau này sẽ là nhà tài trợ thường niên cho trường.

Còn những sinh viên hay bỏ học, kết quả học kém rất có thể sau này sẽ xây cho trường một thư viện mới dưới tên của họ.”

Có một sự thật rằng, để thành công, chúng ta cần rất nhiều yếu tố khác quan trọng hơn là điểm số, chẳng hạn như học cách làm việc và đối đãi tốt với những người xung quanh. Vì vậy, nếu con bạn có mang về nhà điểm 6, điểm 7 thì cũng đừng hoảng sợ, tức giận. 

Bạn thậm chí có thể cân nhắc tới việc ăn mừng vì trước mắt bạn có thể là một nhà lãnh đạo trong tương lai. Còn với những đứa trẻ, nếu có đọc được bài viết này, đừng vội mừng mà bỏ bê chuyện học tập, hãy quay trở lại và hoàn thành bài tập về nhà đi!

Theo Trí thức trẻ

Sưu tầm bởi Okchances

 

Trả lời

error: Bài viết được bảo vệ!