Thiền định đã trở thành một phương pháp luyện tập phổ biến mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm giảm căng thẳng, giảm lo lắng, giảm trầm cảm, đồng thời cải thiện năng lượng và đẩy lùi các bệnh kinh niên.
Đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm làm rõ tác động của việc thực thiền định đối với tâm sinh lý của con người.
Bài viết này sẽ thảo luận về cách chúng ta hiểu về những lợi ích của thiền định dựa trên quan điểm của Trung y, đồng thời cung cấp cho độc giả những hướng dẫn cần thiết để thực hành thiền định định một cách hiệu quả.
Quan điểm của Trung y về dòng năng lượng
Chúng ta hãy bắt đầu với một số khái niệm cơ bản của Trung y.
Y học hiện đại đã tích lũy được nhiều kiến thức về giải phẫu học cũng như các hiểu biết hóa sinh. Kết quả là, các phương pháp điều trị bằng dược phẩm và các thủ thuật giải phẫu chiếm phần lớn quá trình điều trị của y học hiện đại.
Ngược lại, phương pháp điều trị của Trung y cổ chủ yếu dựa trên kiến thức về các dòng năng lượng tồn tại trong thân thể con người. Vì thế, các phương thức điều trị của Trung y, như châm cứu và các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược, tập trung vào việc điều trị chứng mất cân bằng năng lượng. Có lẽ độc giả sẽ cảm thấy điều này thật lạ lẫm, trừ những ai có một số hiểu biết về điện sinh học trong cơ thể người.
Khí là gì?
Có một loại năng lượng tồn tại trong cơ thể con người, được gọi là khí. Điều này tương tự như khái niệm hoạt động của điện sinh học trong cơ thể con người. Loại năng lượng này giúp vận hành các hoạt động thể chất và tinh thần của cơ thể. Không chỉ các tế bào thần kinh (tế bào não) có thể phát ra dòng điện sinh học, các tế bào sử dụng điện tích âm sẵn có để thu hút các ion điện dương qua màng tế bào để thực hiện nhiều chức năng, bao gồm cả việc phát tín hiệu.
Nói cách khác, toàn bộ [hoạt động của] cơ thể chúng ta dựa vào một dòng điện, có điện năng cực nhỏ, nhưng dòng điện này hoạt động liên tục. Y học hiện đại có thể đo mức độ hoạt động của điện sinh học trong cơ thể con người thông qua các xét nghiệm như điện não đồ (EEG), điện tâm đồ (EKG) và điện cơ (EMG).
Còn Trung y đánh giá và xem xét khí dựa trên những thước đo mang tính toàn diện hơn, dựa vào các triệu chứng liên quan đến thể chất và tinh thần. Việc bắt mạch và quan sát lưỡi, cũng như xem xét trạng thái thần kinh và tinh thần và của một người cũng có thể làm rõ mức độ của khí trong cá nhân đó.
Hệ thống kinh mạch
Giống như máu lưu thông trong các huyết quản, năng lượng của con người di chuyển bên trong và dọc theo các kênh năng lượng, được gọi là kinh mạch. Y học hiện đại tập trung vào hoạt động điện sinh học trong một số khu vực nhất định, như não, tim hoặc các cơ. Còn Trung y thì tập trung vào cách các kênh năng lượng của con người để giúp kết nối toàn bộ cơ thể con người thông qua mạng lưới kinh mạch một cách toàn diện.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng đây là một dạng năng lượng ‘nhẹ.’ Cơ thể con người không giống như một cỗ máy gồm những bánh răng nặng nề và đặc sệt dầu mỡ. Ngược lại, đó là một hệ thống năng lượng được tinh chỉnh. Và hệ thống đó có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng một cách tức thời bởi các yếu tố ta không ngờ tới, ngay cả khi các nhà khoa học làm trong ngành y tế đã cảnh báo về những yếu tố tương tự trong nhiều thập niên.
Không khí trong lành và thực phẩm bổ dưỡng
Trung y nói về các loại năng lượng khác nhau, bao gồm cả khí trước khi được hình thành, nhưng chúng tôi chỉ tập trung vào dòng năng lượng đã thành hình. Dòng khí mang điện năng này được tạo ra từ không khí chúng ta hít thở và thực phẩm chúng ta tiêu thụ. Đây là những nguồn nhiên liệu mà cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng. Giống như một máy phát điện, cơ thể đốt cháy khí để tạo ra điện. Hệ thống hô hấp và hệ tiêu hóa dựa vào không khí sạch và thức ăn dinh dưỡng để tạo ra khí. Chúng tôi gọi loại khí này là “khí đã thành hình,” loại năng lượng này hỗ trợ chức năng tinh thần và thể chất hàng ngày của chúng ta.
Vì cơ thể chúng ta tạo ra khí từ không khí và thức ăn, nên điều quan trọng là những nhiên liệu này phải sạch và phải được cung cấp đầy đủ. Nếu bạn đang hít thở không khí bị ô nhiễm và ăn thực phẩm không lành mạnh, cơ thể bạn sẽ không thể tạo ra năng lượng cần thiết để hoạt động. Và “máy phát điện” của bạn sẽ bị hỏng.
Sự tương tác giữa nhân thể và tự nhiên
Bên cạnh thực phẩm và không khí, năng lượng trong cơ thể của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi sự tương tác, sự tiếp xúc liên tục với năng lượng của môi trường. Và cơ thể cũng nhạy cảm với những thay đổi theo mùa và khí hậu địa phương.
Hãy xem xét tác động của ánh sáng mặt trời lên cơ thể. Da của bạn sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra một loại hormone, còn được gọi là vitamin D. Loại vitamin này cần thiết cho sự hoạt động hài hòa của chức năng miễn dịch và là tiền đề của hàng trăm phản ứng điện hóa tạo nên quá trình trao đổi chất. Không hấp thu đủ ánh sáng mặt trời có liên quan đến hàng chục tình trạng bệnh lý do thiếu hụt vitamin D, chưa kể đến những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng.
Y học Trung Quốc luôn chỉ ra rằng chúng ta nên sống như thế nào để phù hợp những lúc giao mùa. Ví dụ, khi chúng ta ăn thực phẩm được trồng tại địa phương, chúng ta có năng lượng sống với mức hòa hợp lớn hơn với môi trường nơi ta sinh sống. Và khi nhiệt độ và độ dài của thời gian ban ngày thay đổi, hành vi và chế độ ăn uống của chúng ta cũng thay đổi.
Ví như, mùa xuân là thời điểm của sự khởi đầu, của sự phát triển. Vậy nên, vào mùa xuân, chúng ta nên thực hiện những dự án mới hoặc bắt đầu những thói quen mới, những việc đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Còn mùa đông là thời điểm mà sự sống phải trầm lắng và ngủ yên, vì vậy chúng ta nên dành thời gian này để nhìn vào bên trong bản thân, cũng như phải để tâm đến việc tiết kiệm năng lượng hữu hạn của chính cơ thể mình.
Mối tương quan giữa thân và tâm
Và sau cùng, đây là lúc việc thiền định trở nên quan trọng, vì năng lượng của chúng ta rất nhạy cảm với những suy nghĩ và cảm xúc khổ đau. Thực tế, suy nghĩ và cảm xúc chính là biểu hiện của năng lượng trên cơ thể người. Y học hiện đại nói về cách mà chứng căng thẳng mãn tính gây ra nhiều bệnh tật, chủ yếu là tâm trạng lo âu sẽ làm cho cơ thể chúng ta tràn ngập các hormon có tác dụng kích hoạt phản ứng chống lại hoặc bỏ chạy, đồng thời khiến chu kỳ nghỉ ngơi và quá trình tiêu hóa của chính chúng ta bị ngưng trệ. Mặt khác, cũng quan tâm đến vấn đề này, Trung y đã nhận ra rằng cảm xúc đau khổ là mối đe dọa chính đối với sức khỏe con người.
Trung y kết nối các loại cảm xúc cụ thể với các hệ thống kinh mạch tương ứng. Ví dụ, tức giận làm xáo trộn các đường kinh mạch tại gan, tại túi mật, điều này dễ dẫn đến các triệu chứng như đau nửa đầu, hội chứng ruột kích thích, đau cơ xơ cứng, mất ngủ và trầm cảm.
Trong khi y học hiện đại nhấn mạnh những vai trò đối lập của hệ thần kinh giao cảm (tự vệ hay bỏ chạy) và hệ thần kinh đối giao cảm (nghỉ ngơi và tiêu hóa), y học Trung Quốc nhấn mạnh cách mà cảm xúc đau khổ sẽ khiến khí lưu thông nghịch chiều, dẫn đến chứng ợ nóng, buồn nôn, ho, và chứng thở khò khè như thế nào. Cảm giác đau khổ cũng làm co các kinh mạch và ngăn chặn dòng lưu thông của khí, dẫn đến các chứng đau, ứ máu và tệ hơn nữa là hành thành các khối u.
Do đó, trên quan điểm của Trung y, việc duy trì sự lưu thông đúng hướng và đủ đầy của khí là chìa khóa để có sức khỏe tốt và thậm chí là sự trường thọ. Và để làm điều đó, bạn cần duy trì trạng thái đúng đắn trong tâm tưởng.
Cốt lõi của kỹ thuật thiền định
Thiền định là một trong những cách tốt nhất bạn có thể thiết lập lại tâm trí, giảm bớt những mệt mỏi mà tâm trí gây ra cho cơ thể. Có vô số phương pháp thiền định, tuy nhiên, luôn có những tiêu chuẩn chung dành cho hết thảy. Hiểu được quan niệm căn bản của Trung y sẽ giúp chúng ta lý giải hiệu quả của về những tiêu chuẩn chung về thiền định này.
Trước hết, chúng ta cần giữ cho tâm trí ở “thì hiện tại” trong thời gian thiền định
Trên thực tế, con người thường có xu hướng trở nên đau khổ khi họ nghĩ về những điều ngoài tầm kiểm soát của bản thân, nghĩ về những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc nghĩ về những viễn cảnh xa xăm nào đó có thể xảy ra trong tương lai. Việc suy tư quá nhiều về những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát có thể đẩy chúng ta vào tâm lý “bất lực.”
Mặt khác, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi có thể sống theo cách mà chúng ta mong muốn, và điều đó chỉ được thực hiện khi chúng ta để cho tâm trí chỉ ở thời điểm hiện tại. Khi tâm trí chúng ta không còn chỗ cho những xúc cảm đau khổ nặng nề, khí trong các kinh mạch sẽ vận hành một cách trơn tru nhất.
Giữ cho đầu óc trống rỗng thoạt nghe có vẻ dễ dàng nhưng đó là điều vô cùng khó thực hiện. Con người ngày nay chất chứa rất nhiều thứ trong tâm, vậy nên, việc đẩy lùi những dòng suy nghĩ này quả thực là không hề dễ dàng. Nhiều lúc, khi chúng ta bắt ép tâm trí phải ngừng, dường như những dòng suy nghĩ lại ở đâu cứ đến như sóng liên tiếp vỗ vào bờ. Đối với trường hợp này, lời khuyên nho nhỏ của bản thân tôi là hãy từ chối những suy nghĩ mà bạn không thể kiểm soát, và hãy dừng việc tham gia vào cũng như ngừng việc chống trả đối với những suy nghĩ đó.
Thứ hai, chú ý đến tư thế khi thiền định
Điều quan trọng khi thiền định là bạn hãy ngồi ngồi thẳng lưng, tốt nhất là ngồi bắt hai chân chéo nhau theo thế kiết già, hoặc đứng với thế tay kết ấn. Bằng cách đó, các mạng lưới năng lượng của cơ thể sẽ được kết nối một cách tốt nhất. Dòng chảy của khí lúc này sẽ là trơn tru nhất, và vì thế, quá trình giao thoa năng lượng với tự nhiên trở nên hiệu quả nhất.
Thứ ba, chúng ta cần giữ đầu lưỡi đặt hàm trên
Ở phía trước của cơ thể có thêm một tuyến kinh lạc được gọi là mạch Nhâm, là mạch ý thức, có tác dụng kết nối tất cả các kênh năng lượng từ các tạng đặc, như thận, tim, lá lách, phổi và gan. Và ta có một loại kinh mạch khác nằm ở phía sau, được gọi là mạch Đốc, là mạch điều hành, có tác dụng kết nối tất cả các kênh năng lượng từ các tạng rỗng như ruột non, ruột già, dạ dày, túi mật và bàng quang. Hai kinh mạch này kết nối với nhau trong vòm miệng.
Bằng cách để lưỡi đặt hàm trên, hai mạch được kết nối tốt hơn, và năng lượng được nuôi dưỡng cơ thể một cách hiệu quả hơn nhiều.
Trong hầu hết thời gian thiền định, ta không cần làm bất cứ điều gì đặc biệt, ngoại trừ giữ cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên. Việc tập trung vào hơi thở rất hữu hiệu mỗi khi bạn cảm thấy khó kiểm soát những luồng suy nghĩ đang chạy loạn lên trong tâm trí.
Con người là giống loài tràn đầy năng lượng đồng thời sở hữu những cơ chế về thể chất và cũng như những đặc tính sinh hóa. Cơ chế sinh hóa và cấu trúc cơ thể của sẽ tự chăm sóc lấy nó nếu chúng ta có thể duy trì một sức khỏe tốt. Ngoài ra, ta có thể cải thiện năng lượng thể chất và năng lực tinh thần bằng cách thiền định. Trên thực tế, việc thiền định giúp duy trì sự tươi trẻ giúp ta đẩy mạnh năng xuất trong quá trình làm việc thường ngày.
Bài viết này được đăng trên tạp chí Radiant Life Magazine.
Tiến sĩ Jingduan Yang là một chuyên gia trong ngành thần kinh học, là bác sĩ khoa tâm thần, là đồng thời một chuyên gia về lãnh vực châm cứu, Trung y và Y học tích hợp. Ông thành lập Học viện y học tích hợp Yang – Yang Institute of Integrative Medicine, Phòng khám Châm cứu Tao – Tao Clinic of Acupuncture và Viện Châm cứu lâm sàng Hoa Kỳ – American Institute for Clinical Acupuncture. Bác sĩ Yang cũng là đồng tác giả hai cuốn sách: Hướng về phương Đông: Bí mật của sức khỏe và sắc đẹp từ thời cổ đại dành cho người ở thời hiện đại – Facing East: Ancient Health and Beauty Secrets for the Modern Age và quyển Châm cứu lâm sàng và Trung y cổ – Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine.
Song Ngư biên dịch
Sưu tầm bởi Okchances