Huyệt Bể Quan nằm ở mặt trước đùi, là huyệt thứ 31 của kinh Vị. Đây là huyệt điều trị tốt các bệnh ở vùng chậu và chi dưới, có ích cho việc phục hồi di chứng liệt sau tai biến. Để hiểu thêm về vị trí, cách xác định và công dụng của huyệt vị này, mời quý độc giả cùng tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.
Huyệt Bể Quan là gì? Vị trí huyệt Bể Quan
Ý nghĩa tên gọi: theo Trung Y Cương Mục, Bễ có nghĩa là khớp háng khi chuyển động, Quan nghĩa là tạo thành khe. Huyệt nằm ngay thẳng trên khớp này, vì vậy mà được gọi với cái tên Bễ Quan (hay Bể Quan).
Đặc tính: là huyệt thứ 31 của kinh vị (ký hiệu ST31), được dùng để điều trị các bệnh ở vùng chậu và chi dưới.
Vị trí: nằm ở vùng phễu đùi, tại điểm gặp nhau của đường dọc qua gai chậu trước trên và đường ngang qua xương mu, nơi chỗ lõm tạo nên bởi cơ căng cân đùi và cơ may. Huyệt vị này nằm ngang huyệt Hội m, trên lằn gối chân 13 thốn và trên huyệt Phục Thỏ 6 thốn.
Về mặt Giải Phẫu:
- Dưới da vùng huyệt là cơ căng cân đùi và góc cơ may, cơ thẳng trước đùi, khe của cơ đái-chậu và cơ rộng giữa đùi, xương đùi.
- Thần kinh vận động cơ bao gồm nhánh của dây thần kinh mông trên, nhánh của dây thần kinh đùi và các ngành ngang của đám rối thắt lưng.
- Da vùng huyệt do tiết đoạn thần kinh L2 chi phối.
Tác dụng của huyệt Bể Quan
Huyệt Bể Quan có tác dụng thông kinh hoạt lạc và trừ phong thấp. Huyệt điều trị tốt các bệnh lý sau:
- Bấm huyệt trị đau lưng, đau đùi, đau háng, tê chân, co duỗi chân khó khăn
- Viêm cơ đáy chậu, viêm hạch bẹn
- Liệt chi dưới, liệt nửa người
Huyệt Bể Quan có thể được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với các huyệt khác để tăng hiệu quả chữa bệnh. Cụ thể như sau:
- Phối Thừa Phù và Ủy trung trị khớp đùi vế đau (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Hoàn Khiêu, Thừa Phù, Phong Thị và Túc Tam Lý trị tê chi dưới, đi lại khó khăn (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
Cách sử dụng huyệt Bể Quan trị bệnh
Để trị bệnh bằng huyệt Bể Quan, Đông y sử dụng 2 phương pháp tác động chính là châm cứu và bấm huyệt. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Cách châm cứu huyệt Bể Quan
Châm cứu sử dụng kết hợp hai kỹ thuật bao gồm châm (dùng kim châm huyệt) và cứu (hơ ngải nóng tại vị trí huyệt). Đây là phương pháp tác động sâu nên có khả năng trừ bệnh nhanh chóng và triệt để. Tuy nhiên, kỹ thuật châm cứu tương đối phức tạp, chỉ những người có kiến thức chuyên môn với có thể thực hiện được.
Phương pháp châm cứu huyệt Bể Quan như sau: châm thẳng, sâu từ 1-1,5 thốn; cứu 3-5 tráng, ôn cứu 5-10 phút.
Cách bấm huyệt
So với phương pháp châm cứu, bấm huyệt là kỹ thuật đơn giản hơn, chỉ sử dụng đôi bàn tay và tác động ở ngoài da nên có thể thực hiện được bởi cả người không có chuyên môn. Nhưng cũng vì vậy mà bấm huyệt cho hiệu quả hạn chế hơn, chủ yếu chỉ được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ trị bệnh.
Sau khi xác định chính xác vị trí Bể Quan, có thể bấm huyệt bằng cách ấn giữ huyệt hoặc vừa ấn vừa day huyệt. Khi day bấm huyệt, cần chú ý dùng lực đủ mạnh và tác động trong thời gian đủ lâu (ít nhất từ 1-3 phút) để phát huy hiệu quả chữa bệnh tốt nhất. Tuy nhiên, không được day bấm huyệt quá mạnh để tránh gây bầm tím trên bề mặt và làm tổn thương các tổ chức dưới da.
Ngoài ra, để bấm huyệt Bể Quan đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn, các bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Không tự ý bấm huyệt Bễ Quan cho các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ có thai, bệnh nhân đang sốt, người có sức khỏe yếu, người bị bệnh xương khớp mạn tính.
- Trước khi bấm huyệt, cần cắt ngắn móng tay để tránh làm trầy xước da. Đồng thời vệ sinh tay và vùng da cần tác động sạch sẽ để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Không tác động lên các vùng da đang có vết thương hoặc có dấu hiệu trầy xước, bầm tím hay viêm nhiễm.
- Để tránh gây hại cho dạ dày, chú ý không day ấn huyệt khi bụng đang quá no, quá đói hoặc sau khi sử dụng rượu bia.
Huyệt Bể Quan là một trong số rất nhiều huyệt vị nằm ở vùng đùi. Nếu gặp phải các vấn đề viêm đau ở chi dưới hoặc bị di chứng liệt do tai biến mạch máu não; quý vị có thể dùng huyệt này để hỗ trợ trị bệnh tại nhà.
Sưu tầm bởi Okchances