Gừng không chỉ là gia vị thường có trong nhà bếp, mà còn là một vị thuốc thường dùng trong Trung y.
Tùy theo thời gian trồng dài hay ngắn, gừng có thể chia ra làm gừng non, gừng vừa, gừng già. Ở phương diện thực liệu, các loại gừng khác nhau này cũng có những tác dụng khác nhau.
Gừng non, gừng vừa, gừng già có gì khác nhau?
Từ xưa đến nay, mọi người hay dùng gừng trong nấu nướng và làm thuốc. Mùi hương của gừng rất nồng, có thể dùng khử mùi tanh của hải sản. Trong y học cổ truyền, gừng có tác dụng làm toát mồ hôi giải cảm, làm ấm bên trong và chống nôn, ấm phổi chống ho. Một số thang thuốc Đông y thường có thêm gừng lát, ví như Quế chi thang, Tiểu bán hạ thang.
Theo quan điểm của dược học hiện đại, gừng có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus. Có thể nói, gừng là một loại dược liệu luôn sẵn có trong gia đình.
Tùy theo thời gian thu hoạch khác nhau, có thể chia gừng thành các loại gừng non, gừng vừa, gừng già. Tuổi của các loại gừng này khác nhau, cho nên tác dụng và hương vị cũng có sự khác nhau.
Gừng non
Gừng non là loại gừng được trồng trong khoảng thời gian 4-5 tháng đã thu hoạch, chủ yếu sinh trưởng vào mùa xuân và đầu mùa hè.
Đặc điểm: Lớp vỏ mỏng, có màu vàng nhạt hoặc có vảy màu tía; đặc tính non giòn nhiều nước, ít cay.
Gừng non thích hợp cắt thành sợi nhỏ ăn sống hoặc ngâm với giấm. Ví dụ như món gừng ngâm chua trong ẩm thực Nhật Bản là dùng gừng non để làm.
Bác sĩ Dư Nhã Văn (Yu Yawen), Giám đốc phòng khám Trung y Thượng Tỳ (Đài Loan) cho biết, công dụng của gừng non là trừ thấp khí (khí ẩm). Vào mùa xuân và mùa hạ tương đối ấm áp lại hay có mưa, cơ thể dễ tích khí ẩm mà sinh bệnh, lúc này có thể ăn một ít gừng non. Vì gừng non không cất giữ được lâu, cho nên có thể làm món gừng non ngâm giấm.
Gừng non có lớp vỏ mỏng, màu vàng nhạt hoặc vảy màu tía; đặc tính non giòn nhiều nước. (Ảnh: Shutterstock)
Gừng vừa
Gừng vừa còn gọi là gừng bột, tuổi của loại gừng này khoảng 6-8 tháng. Đây là loại gừng phổ biến nhất trên thị trường, cũng được sử dụng rộng rãi nhất.
Đặc điểm: Củ gừng vừa có lớp vỏ ngoài màu vàng đất, bóng nhẵn; thân củ căng tròn chắc nịch, bên trong thịt củ có khá nhiều sợi xơ, vị cay hơn gừng non.
Gừng vừa có tác dụng làm ấm dạ dày, chủ yếu dùng làm gia vị trong nấu ăn, nấu trà gừng hoặc làm kẹo gừng. Công dụng thực liệu phổ biến nhất là khi nấu các loại rau củ có hàn tính, thì cho thêm một chút gừng để khử và cân bằng hàn tính. Ví như bí đao tương đối hàn, khi nấu cho thêm gừng cắt sợi vào sẽ trở thành món canh bí đao gừng sợi.
Các bệnh cảm cúm phong hàn thông thường, như sợ lạnh, có đờm trắng, chảy nước mũi trong, cổ họng không sưng đau, không phát sốt… Lúc này uống một chén trà gừng nấu từ loại gừng vừa, có thể làm dịu cảm giác khó chịu.
Gừng vừa còn có tác dụng ngăn chặn chứng nôn ói rất hiệu quả, nó còn được gọi là “ẩu gia thánh dược” (Thánh dược của chứng nôn ói). Bác sĩ Dư Nhã Văn cho biết, những người thường hay nôn ói như phụ nữ có thai, người bị say tàu xe, thì một vài lát gừng, hoặc uống trà gừng đều có tác dụng chống nôn.
Củ gừng vừa có lớp vỏ màu vàng đất, bóng nhẵn, thân củ căng tròn chắc nịch. (Ảnh: Shutterstock)
Gừng già
Gừng già là chỉ loại gừng có thời gian trồng hơn 10 tháng trở lên, được dưỡng trong đất mãi đến khi già mới thu hoạch, còn gọi là gừng giống. Gừng già có thể cất giữ bảo quản được thời gian lâu.
Đặc điểm: Gừng già có lớp vỏ màu nâu, bên ngoài có vẻ khô nhăn thô ráp, bên trong có nhiều sợi xơ sần sùi, vị rất cay nồng.
Có câu thành ngữ “Gừng càng già càng cay”, chính là chỉ củ gừng già. Vì nó có độ cay cao nhất, có thể làm cho cơ thể ấm lên rất nhanh, cho nên thường được dùng trong các món ăn bồi bổ, như vịt kho gừng, gà kho dầu mè.
Bác sĩ Dư Nhã Văn giải thích, gừng già có hiệu quả ôn dương tốt nhất, có thể làm tăng dương khí toàn thân lên nhanh. Vào mùa thu đông tương đối lạnh, ít nhất là nên dùng loại gừng vừa cho các món ăn thực liệu, đến giữa mùa đông rét lạnh hơn, thì nên dùng gừng già để bồi bổ.
Phụ nữ có thân thể hư hàn, khi đến kỳ kinh nguyệt dễ bị đau bụng kinh, thì có thể uống trà long nhãn gừng để làm dịu, vì gừng già có thể tăng cường dương khí, giúp khí huyết lưu thông.
Gừng già còn được gọi là gừng giống, bề ngoài có vẻ khô nhăn thô ráp, vị cay nồng nhất. (Ảnh: Shutterstock)
2 trường hợp không nên ăn gừng
Từ gừng non cho đến gừng già đều có hiệu quả ôn dương, nhưng có sự khác nhau về mức độ tác dụng nhẹ, vừa, nặng, và được sử dụng tùy theo thể chất khác nhau. Trong đó, cách dùng gừng vừa và gừng già gần như giống nhau, tuy nhiên độ cay và mức độ ôn dương của gừng vừa không mạnh như gừng già.
Thông thường, những người ăn đồ ăn lạnh dễ bị tiêu chảy, hoặc những người dễ bị tiêu chảy khi thời tiết trở lạnh, là vì thể chất thiên hàn, nhưng tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh trạng mà quyết định dùng gừng vừa hay gừng già.
Bác sĩ Dư Nhã Văn cho biết, dạ dày của bà cũng khá thiên hàn, bởi vậy khi bà pha trà sẽ cho thêm vài lát gừng vừa để làm ấm dạ dày, ví như pha một ly hồng trà gừng.
Người có hỏa khí lớn thì không nên dùng gừng vừa và gừng già, chỉ thích hợp ăn một chút gừng non để làm ấm dạ dày.
Tuy nhiên, đối với hai trường hợp sau đây, cho dù là người có thể chất thế nào đều không nên ăn gừng:
- Cơ thể đang bị sưng viêm:Bị sốt, cổ họng sưng đau, viêm khoang miệng, có các triệu chứng xuất huyết (ví như bị bệnh trĩ xuất huyết, xuất huyết dạ dày, chảy máu mũi, chảy máu chân răng v.v…). Bác sĩ Dư Nhã Văn giải thích, bởi vì gừng có tác dụng giãn nở mao mạch, sẽ làm cho tình trạng sưng viêm trở nên nghiêm trọng.
- Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt ra máu nhiều:Nếu vào lúc này uống trà gừng thì sẽ làm cho lượng máu chảy ra càng nhiều.
Nếu cơ thể đang bị sưng viêm hoặc phụ nữ có lượng máu ra nhiều khi đến kỳ kinh nguyệt, nên tạm thời tránh dùng gừng. (Ảnh: Shutterstock)
Bình thường khi cho gừng vào thức ăn thì dùng từ 3 – 5 lát gừng là đủ. Nếu không tự xác định được thể chất của mình thuộc dạng nào, bác sĩ Dư Nhã Văn khuyên nên quan sát phản ứng của bản thân sau khi dùng gừng. Nếu như xuất hiện các triệu chứng thượng hỏa như sưng lợi, miệng đắng lưỡi khô… chứng tỏ là có thể đã ăn quá nhiều gừng, không thích hợp ăn gừng thường xuyên.
Sưu tầm bởi Okchances