Tại sao việc thở bằng miệng ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường và các vấn đề sức khỏe trong suốt cuộc đời? Làm thế nào để khắc phục tình trạng nguy hiểm nhưng phổ biến này?
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thường thấy hình ảnh của những trẻ nhỏ ngủ ngon lành với cái miệng mở rộng. Một số phụ huynh nghĩ rằng con họ ngáy trông thật đáng yêu. Nhưng việc thở bằng miệng và ngáy ở trẻ có những hậu quả nghiêm trọng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng những trẻ thở bằng miệng đang phải đối mặt với tình trạng sức khoẻ kém, ngoại hình kém hấp dẫn, và các vấn đề về răng miệng cần chi phí điều trị cao.
Thở bằng mũi giúp đưa không khí vào sâu hơn trong phổi và có một số khác biệt về mặt sinh lý so với việc thở nông, nhanh hơn qua miệng. Những khác biệt này gây ra những hậu quả đáng kể.
Thở bằng miệng lúc còn nhỏ được chứng minh là gây nên sự phát triển bất thường trên khuôn mặt. Khi miệng há ra, trọng lực sẽ kéo mặt xuống và dịch chuyển lưỡi ra khỏi vị trí nghỉ thích hợp. Điều này dẫn đến răng mọc chen chúc và cung hàm hẹp kém phát triển, đồng thời đẩy đầu về phía trước và làm giảm kích thước đường hô hấp trên. Đường thở hẹp gây nên các vấn đề về sau này như rối loạn nhịp thở khi ngủ, các vấn đề về hành vi, kết quả học tập kém và khuôn mặt kém hấp dẫn. Ngoài ra, chứng khô miệng do há miệng khi thở góp phần gây sâu răng, rụng răng sớm, và hôi miệng.
Tương tự, ngáy cũng là dấu hiệu cho thấy chức năng hô hấp không được tốt. Âm thanh khi ngáy gây ra bởi một thứ gì đó ngăn chặn đường thở. Đây là dấu hiệu cảnh báo và có thể dự đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một tình trạng nghiêm trọng với hiện tượng ngừng thở tạm thời nhiều lần trong đêm, giảm độ bão hòa oxy trong cơ thể và não bộ. OSA khiến trẻ bị mệt và không thể tập trung.
Theo một nghiên cứu tổng quan được công bố trên tạp chí Current Trends in Otolaryngology and Rhinology, một đứa trẻ mắc chứng ngáy ngủ khi 8 tuổi không được điều trị sẽ có 80% khả năng bị giảm 20% trí lực vĩnh viễn. OSA thường có liên quan đến béo phì, nhưng nghiên cứu đã cho thấy OSA có nguyên nhân do khuôn mặt dài, sưng phù nề hoặc amidan, vòm miệng hẹp và sai lệch khớp cắn – tất cả các triệu chứng của thói quen thở bằng miệng. Những đặc điểm giải phẫu này cũng được coi là những yếu tố nguy cơ đối với hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Tôi nhớ mình đã phát hiện về các triệu chứng của thở bằng miệng trong một bài báo trên trang The Dental Cosmos được công bố vào hơn một thế kỷ trước. Năm 1909, tác giả của bài báo, G.F. DeLong, đã viết:
“Khuôn mặt thường dài, xương mặt kém phát triển, do đường thở không có sự lưu thông thích hợp và lỗ mũi nhỏ.”
Tác giả DeLong tiếp tục liệt kê những tác dụng bất lợi khác của thở bằng miệng như cằm hếch, sai lệch khớp cắn và vòm miệng cao hẹp. Những đứa trẻ này trông “đờ đẫn”, mệt mỏi và có thể bị hiểu lầm là không chú ý trong lớp.
Khi tôi lần đầu tiên tìm thấy mô tả này, tôi thấy rất thất vọng rằng những ảnh hưởng của thở bằng miệng vẫn còn nhiều phụ huynh chưa biết rõ. Thậm chí trong các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhi khoa, những yếu tố nguy cơ của chứng thở bằng miệng không phải luôn được xác định, và thường không có sự quan tâm đúng mức đến việc khôi phục lại cách thở bằng mũi.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% trẻ em thở bằng miệng, trong đó nam phổ biến hơn nữ (nam 60% và nữ 40%). Thường bắt đầu do amidan và/hoặc adenoid (amidan vòm) sưng lên, mặc dù các yếu tố giải phẫu khác, môi trường, lối sống và yếu tố dinh dưỡng cũng đóng một vai trò nào đó.
Hậu quả của thở bằng miệng
Thở bằng miệng có những hậu quả sâu rộng. Tình trạng này góp phần gây nên nhiều vấn đề bao gồm:
- Sự phát triển bất thường của mặt, răng và đường thở
- Sâu răng
- Các vấn đề về tư thế
- Suy giảm chức năng nhận thức
- Kém phát triển về lời nói và ngôn ngữ
- Rối loạn hành vi, bao gồm ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý)
- Rối loạn miễn dịch
- Hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Rối loạn giấc ngủ
Thật không quá lời khi nói thở bằng miệng có thể dẫn đến bệnh tật trong suốt cuộc đời.
Can thiệp sớm là chìa khoá
Hầu hết khuôn mặt phát triển trong 5 năm đầu đời. Đến năm 11 hoặc 12 tuổi, khuôn mặt đã phát triển đến 90%. Điều này có nghĩa là nếu thở bằng miệng không được điều chỉnh lại sớm, thì có thể gây ra các dị tật vĩnh viễn. Việc khôi phục hít thở bằng đường mũi lúc nào cũng có thể được, nhưng chỉnh sửa hàm lệch sẽ phức tạp hơn nhiều về sau này.
Tôi đã trực tiếp trải nghiệm những hậu quả của thở bằng miệng. Trong suốt thời thơ ấu của mình, tôi thở bằng cách mở miệng. Tôi gặp khó khăn khi học tập ở trường. Cũng như Long đã mô tả vào năm 1909, giáo viên thường hiểu sai sự mệt mỏi và chứng sương mù não của tôi là thiếu chuyên tâm. Cho dù tôi cố gắng học tập thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ có thể đạt trên điểm trung bình. Hơn nữa, chứng hen suyễn của tôi rất nặng, đôi khi tôi phải nhập viện. Cho đến năm 20 tuổi, khi tôi phát hiện một số bài tập thở đơn giản có thể giúp tôi khôi phục lại việc thở bằng mũi, cuộc sống của tôi mới trở nên tốt hơn.
Tôi thấy may mắn khi thực hiện sự thay đổi này. Dù muộn màng nhưng còn hơn không làm gì. Bởi vì thực tế là cho dù bạn phát bao nhiêu bản nhạc “Mozart cho em bé” đi nữa, nếu con bạn thở bằng miệng, thì trong phần đời còn lại, chúng sẽ luôn gặp khó khăn trong việc phát triển tiềm năng của mình.
Thở bằng mũi mang lại cuộc sống khỏe mạnh
Trong một bài tổng quan vào năm 2018, Tiến sĩ John Walker – bác sĩ chỉnh nha đường thở nổi tiếng và đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ Peter Catalano – bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã nói: “Thở bằng mũi là chức năng cơ bản và quan trọng mà chúng ta hiếm khi nghĩ đến, và hầu hết mọi người sẽ bất ngờ khi biết về tầm quan trọng và ảnh hưởng của thở bằng mũi đối với sự tăng trưởng và phát triển, cũng như một cuộc sống khỏe mạnh và làm việc hiệu quả.”
Tiến sĩ Catalano và Walker giải thích, khi việc thở bằng mũi bị gián đoạn, trẻ “ buộc phải sống với hàng loạt các vấn đề sức khỏe mắc phải do hậu quả của thở bằng miệng kinh niên hoặc gián đoạn.”
Một đánh giá gần đây khác trên tạp chí Nha khoa Trẻ em Âu Châu đã giải thích rằng thở bằng mũi trong suốt giai đoạn phát triển ban đầu và trong suốt thời thơ ấu giúp hỗ trợ sự phát triển khuôn mặt, hàm răng, và bộ máy hít thở thích hợp. Đây cũng là điều cần thiết cho “sự phát triển của hành vi thần kinh và não bộ… điều chỉnh khớp cắn răng, ngủ ngon và đúng giấc, cải thiện hiệu suất và đời sống nói chung.”
Với việc khôi phục cách thở bằng mũi, cùng với các liệu pháp bao gồm cả liệu pháp chức năng cơ ( gồm các bài tập cụ thể nhằm vào các cơ mặt dùng để nhai và nuốt và củng cố lưỡi) , bài tổng quan kết luận: “Chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện với nhiều năng lượng hơn, tâm trạng tốt hơn, và nâng cao hiệu suất làm việc. Chưa hết, nụ cười và tính thẩm mỹ trên khuôn mặt cũng sẽ được cải thiện rất nhiều.”
Tại sao thở bằng mũi lại quan trọng như vậy?
Thở bằng miệng được coi là một tình trạng bệnh lý liên quan đến nhiều bệnh tật. Mặt khác, một em bé sinh đủ tháng khỏe mạnh sẽ thở tự nhiên bằng mũi ngay từ khi sinh ra.
Mũi thực hiện khoảng 30 chức năng trong cơ thể. Mũi làm ấm và làm ẩm không khí, đồng thời lọc tạp chất và mầm bệnh trong không khí. Thở bằng miệng lấy không khí lạnh, chưa được lọc trực tiếp đưa vào phổi. Điều này khiến con bạn dễ bị kích ứng đường thở, viêm nhiễm, hen suyễn, và nhiễm trùng đường thở trên. Thở bằng mũi giúp lấy khí nitric oxit (NO), được tạo ra trong các xoang xung quanh khoang mũi. Khí NO được chứng minh là có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn, chống dị ứng, và kháng nấm. NO cũng được biết đến với tác dụng ngăn chặn virus nhân lên trong các bệnh về đường hô hấp trên bao gồm COVID-19.
Thở bằng mũi còn hỗ trợ khả năng miễn dịch bằng cách tạo ra sức cản lớn hơn đối với luồng không khí. Từ đó làm chậm nhịp thở, giúp giữ đáp ứng với căng thẳng ở mức cân bằng. Căng thẳng là yếu tố nguy cơ của 75% đến 90% tất cả các bệnh ở người.
Thở bằng mũi giúp tăng tuần hoàn và hấp thụ oxy đến mô và các cơ quan – bao gồm cả não bộ. Khi trẻ có thói quen thở bằng miệng, cơ thể chúng phải chịu tổn thương mới đưa đủ oxy vào máu. Đầu bị đẩy về phía trước, tạo ra các thay đổi về tư thế. Việc ăn uống trở nên ồn ào và khó khăn. Và bởi vì ít được sử dụng nên đường thở mũi không phát triển bình thường.
Khi tôi nói về một “khuôn mặt hấp dẫn hơn,” tôi không chỉ quan tâm đến thẩm mỹ. Một cung hàm và đường thở mũi phát triển tốt ở những người thở bằng mũi giúp họ khỏe mạnh hơn khi trưởng thành. Từ góc độ tiến hoá, chúng ta nhận thấy những người có hàm rộng, khớp với nhau và răng ngay ngắn sẽ trông thu hút hơn. Một nghiên cứu thú vị gần đây đã chứng minh người có khuôn mặt thu hút thường có khả năng miễn dịch tốt hơn với COVID-19. Đây có lẽ là do thực tế rằng những người này đều thở bằng mũi.
Nguyên nhân gì gây ra chứng thở bằng miệng ở trẻ em?
Thở bằng miệng xảy ra là do tắc nghẽn trong đường thở, hoặc khi đường thở bị hẹp. Đây thường là kết quả của viêm amidan và/hoặc adenoid. Khi mô mềm ở phía sau cổ họng bị sưng lên, đường thở sẽ trở nên hẹp hơn nhiều. Và khi bị tắc nghẽn ở mũi, trẻ dễ có nguy cơ thở bằng miệng cao hơn gấp năm lần. Thở bằng miệng gây kích thích đường thở, và có thể kéo dài các vấn đề về amidan và adenoid, gây nên một vòng luẩn quẩn của thói quen thở bằng miệng.
Thở bằng miệng cũng có thể là có nguyên nhân do:
- Rối loạn nhịp thở bao gồm hen suyễn và dị ứng
- Các đặc điểm giải phẫu như vòm miệng cao hẹp, lệch vách ngăn mũi hoặc mũi nhỏ
- Dính thắng lưỡi và thắng môi
- Cho trẻ bú bình và sử dụng núm vú giả quá mức
- Nhà ở quá nóng, kém thông gió
Dính thắng lưỡi và thắng môi dễ giải quyết nhưng thường không được chẩn đoán. Không phải bác sĩ nào cũng đều khám dưới lưỡi, và thậm chí cả sự đồng thuận về điều gì gây dính thắng lưỡi hoặc thắng môi vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các mô thừa bám vào lưỡi hoặc môi có thể khiến trẻ không bú được và làm ảnh hưởng đến vị trí của lưỡi. Vị trí lưỡi rất quan trọng bởi vì lưỡi hỗ trợ lý tưởng cho sự phát triển thích hợp của hàm và răng. Lưỡi tạo khuôn hàm trên thành hình chữ U rộng, từ đó tạo khoảng trống để tất cả các răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn trên cả hai hàm.
Một nghiên cứu từ năm 2017 kết luận rằng phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi/thắng môi “dẫn đến sự cải thiện đáng kể về kết quả nuôi con bằng sữa mẹ,” giảm nhu cầu bú bình. Điều này rất quan trọng, bởi vì núm vú nhân tạo làm trẻ dễ hút sữa, nhưng đồng thời không giúp cho cơ mặt và hàm phát triển được như bú bằng sữa mẹ. Sau khi trẻ cai sữa, chế độ ăn quá tập trung vào thức ăn mềm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển về phía trước của khuôn mặt. [Bởi vì] việc nhai cũng rất quan trọng cho sự phát triển của hàm và răng.
Tại sao chứng thở bằng miệng vẫn tồn tại dai dẳng
Vấn đề là, trong khi giữ vai trò như một cách thức dự phòng trong trường hợp trẻ gặp khó khăn để lấy đủ không khí qua mũi, thở bằng miệng có thể nhanh chóng trở thành thói quen. Sau khi thói quen được hình thành, ngay cả khi nguyên nhân gốc rễ đã được giải quyết, chứng thở bằng miệng vẫn tồn tại. Ví dụ, hầu hết trẻ không được dạy cách khôi phục thở bằng mũi sau phẫu thuật cắt bỏ amidan hoặc adenoid. Khi phẫu thuật này được tiến hành để khắc phục chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ, vấn đề này vẫn có xu hướng tái phát trong ba năm sau phẫu thuật.
Trên thực tế, rối loạn nhịp thở khi ngủ chỉ được giải quyết hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt bỏ amidan trong 27% trường hợp. Điều này phần lớn là do trẻ vẫn còn thở bằng miệng.
Cách nhận biết, giải quyết chứng thở bằng miệng cho con bạn
Điều tốt nhất bạn có thể làm là theo dõi cách thở của con bạn. Hãy chú ý cách chúng thở khi đang tập trung, làm bài tập, xem tivi, và ngủ. Đồng thời lưu ý thời gian con bạn mở miệng. Nếu con bạn thở bằng miệng chiếm 40% thời gian trở lên, bạn cần hành động ngay.
Ngoài việc quan sát khi trẻ mở miệng, có một số dấu hiệu không quá rõ ràng cho thấy trẻ thở bằng miệng. Nếu câu trả lời là “có” trong bất kỳ câu hỏi nào dưới đây, con bạn có thể mắc chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ bao gồm cả OSA.
- Giấc ngủ có bị gián đoạn không?
- Con bạn có hay trở mình trong lúc ngủ, hoặc thức dậy với chăn màn lộn xộn hay không?
- Bạn có nghe tiếng con bạn thở trong lúc ngủ?
- Con bạn có ngáy hoặc nín thở vào ban đêm?
- Chúng có thức dậy đi vệ sinh, hoặc tè dầm ra giường, hay gặp ác mộng không?
- Chúng có thường cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng không?
- Chúng có bao giờ phàn nàn về việc bị nghẹt mũi và khô miệng khi thức dậy không?
Bài tập thở cho trẻ em
Với những thông tin ở trên, bạn đã bắt đầu hiểu được tương đối về việc con mình có thở liên tục bằng miệng hay không. Nếu có, bạn cần khuyến khích trẻ thở bằng mũi, cả ngày và đêm. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sẽ hơi khó để rèn luyện các bài tập thở, vì vậy nếu con bạn còn nhỏ, bạn có thể bắt đầu bằng cách ngăn chặn các yếu tố có thể dẫn đến chứng thở bằng miệng. Tránh cho con mặc quần áo quá chặt, và giữ cho nhà ở mát mẻ, không có bụi, và thoáng gió.
Bạn có thể nhận thêm lời khuyên từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe của mình, hoặc gặp bác sĩ trị liệu chức năng cơ. Có những bác sĩ nhi khoa có thể giúp con bạn mở rộng vòm miệng nhẹ nhàng theo cách không xâm lấn, ngay cả đối với trẻ còn rất nhỏ. Tôi khuyên bạn nên tìm kiếm một bác sĩ trị liệu chức năng cơ hoặc nha sĩ chuyên về đường thở cho trẻ em. Hãy liên lạc với AOMTinfo.org để tìm một bác sĩ thích hợp cho con của bạn.
Những đứa trẻ lớn hơn một chút sẽ được hưởng lợi từ chương trình miễn phí về bài tập thở cho trẻ em của tôi tại trang buteykoclinic.com/buteykochildren. Chương trình bao gồm bài tập thông mũi có hiệu quả nếu con bạn bị nghẹt mũi.
Bạn có thể giúp con mình khôi phục thói quen thở bằng mũi bằng băng dán miệng được thiết kế để khuyến khích trẻ tập thở bằng mũi. Có rất nhiều loại được bày bán, bao gồm cả thiết kế của tôi, MYOTAPE. Băng dán miệng MYOTAPE bọc quanh miệng thay vì bao phủ hết cả miệng và cho phép con bạn có thể giao tiếp và giữ ẩm cho môi khi mang loại băng này. Nếu con bạn từ 4 tuổi trở lên, chúng có thể mang băng này trong 30 phút hoặc nhiều hơn mỗi ngày, và trong suốt thời gian đi ngủ.
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin về cách thở của trẻ, và một số mẹo dùng băng dán miệng và các bài tập thở trong cuốn sách giải thích cách thở lành mạnh qua truyện tranh màu của tôi, “The Breathing Cure” và “Buteyko Meets Dr. Mew”.
Và nếu bạn gặp các vấn đề về chứng khó thở, hoặc tình trạng sức khỏe bất thường do hậu quả của thở bằng miệng khi còn nhỏ, hãy nhớ rằng, sẽ không bao giờ là quá muộn để chuyển sang thở bằng mũi, và trải nghiệm một cuộc sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn.
Patrick McKeown là một huấn luyện viên về hô hấp, tác giả và diễn giả nổi tiếng quốc tế. Anh là người sáng lập Oxygen Advantage®, người sáng lập Buteyko Clinic International và là thành viên của Hiệp hội Sinh học Hoàng gia ở Vương quốc Anh.
Vân Hi biên dịch
Sưu tầm bởi Okchances