Huyệt Nghinh Hương là huyệt thứ 20 của kinh Đại Trường, và kinh Vị

Huyệt Nghinh Hương Là Gì? Vị Trí Và Cách Bấm Huyệt Nghinh Hương

Huyệt Nghinh Hương là một trong hơn 600 huyệt đạo có trên cơ thể con người. Huyệt Nghinh Hương đóng vai trò quan trọng trong điều trị một số bệnh lý. Vậy vị trí huyệt Nghinh Hương nằm ở đâu? Cách bấm huyệt Nghinh Hương như thế nào? Bạn đọc hãy dành vài phút đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về huyệt Nghinh Hương.

Huyệt Nghinh Hương là gì? Cách xác định huyệt

Là một trong hơn 600 huyệt đạo có trên cơ thể con người, huyệt Nghinh Hương là huyệt thứ 20 của kinh Đại Trường, và kinh Vị. Huyệt Nghinh Hương hay còn gọi là huyệt Nghênh Hương, hoặc Xung Dương.

Vì sao lại gọi nó là Nghinh Hương? Theo đó, huyệt có công dụng làm mũi thông thoáng, từ đó đón nhận (nghinh, nghênh) mùi thơm (hương) của vạn vật, vì thế mà nó được gọi là Nghinh Hương.

Huyệt Nghênh Hương nằm ở trên mặt, sát ngay hai bên cánh mũi, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (0,8cm). Cụ thể huyệt nằm ở vị trí giao nhau giữa đường ngang qua chân mũi với rãnh mũi và miệng.

Cách xác định vị trí huyệt Nghênh Hương như sau: Bạn dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp 2 cánh mũi lại. Phần ngón tay tiếp xúc với điểm lõm bên 2 cánh mũi đó chính là huyệt Nghênh Hương.

Các cách tác động lên huyệt Xung Dương (Nghinh Hương)

Huyệt Nghênh Hương là huyệt đạo dễ xác định và cũng dễ tác động lên nó. Theo đó, người bệnh có thể tác động lên huyệt Nghênh Hương theo các cách sau:

  • Day, bấm huyệt: Đây là cách tác động lên huyệt đơn giản nhất, và được nhiều người thực hiện. Theo đó bạn dùng tay trực tiếp day ấn lên huyệt Nghênh Hương. Những người không có kinh nghiệm về huyệt đạo cũng có thể thực hiện cách này khi muốn chữa bệnh.
  • Châm cứu: Là việc dùng kim châm cứu đâm xiên hoặc luồn dưới da. Châm cứu huyệt Nghênh Hương để chữa viêm xoang. Cách này cần được thực hiện bởi thầy thuốc y học cổ truyền, hoặc người có chuyên môn châm cứu. Nếu bạn không hiểu rõ về châm cứu không nên áp dụng cách này, nó có thể gây nguy hiểm nếu châm sai huyệt.
  • Hơ ngải cứu: Dùng ngải cứu hơ nóng và đắp lên huyệt Nghênh hương để điều trị nghẹt mũi, viêm xoang. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý độ nóng của ngải cứu có thể làm bỏng da mặt. Ngoài ra, với phương pháp này người bệnh cần kiên trì bởi tác dụng thường rất chậm.
  • Dán salonpas: Cũng là một cách tác động lên huyệt Nghênh hương đơn giản, dễ làm. Người bệnh cắt salonpas thành hình vuông kích thước vừa phải và dán vào huyệt Xung Dương. Cách này trị nghẹt mũi, giảm triệu chứng bệnh viêm xoang.

Tác dụng của huyệt Nghinh Hương trong chữa bệnh

Huyệt Nghênh Hương có tác dụng thông khiếu (thông thoáng đường thở), tán phong nhiệt, thanh khí hỏa.

Khi bị nghẹt mũi bạn có thể bấm huyệt Nghênh Hương

Vì vậy huyệt Nghênh Hương thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh:

  • Mũi (ngứa mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, sổ mũi, ngạt mũi, chảy dịch xoang…)
  • Mặt (ngứa mặt, mặt sưng phù, liệt mặt)
  • Giun chui ống mật

Huyệt Nghinh Hương chữa nghẹt mũi hiệu quả

Như đã nói ở trên, huyệt Nghênh Hương có khả năng thông khiếu, trị các bệnh về mũi, đặc biệt là ngạt mũi. Theo đó bạn có thể chữa bệnh ngạt mũi bằng cách sau:

Cách 1:

  • Đầu tiên, người bệnh xác định vị trí huyệt Nghênh Hương. Theo đó, bạn dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp hai cánh mũi. Vị trí lõm trên đường rãnh má, cách cánh mũi 0,8cm đấy chính là huyệt Nghênh Hương.
  • Tiếp đó bạn dùng ngón tay xoa, chà xát lên huyệt Nghênh Hương. Nếu bạn bị ngạt mũi bên trái thì day huyệt Nghênh Hương bên trái, và ngược lại. Bạn thực hiện động tác này từ 3-4 phút, ngày làm 5 lần để thấy hiệu quả.
  • Để tăng hiệu quả, nhanh chóng làm thông đường thở, bạn có thể bôi một chút dầu gió, hoặc dán một miếng salonpas nhỏ lên huyệt Nghênh Hương khi xoa bóp. Việc này giúp làm nóng huyệt nhanh chóng, hạn chế tình trạng chảy nước mũi.

Cách 2:

Ngoài xoa bóp, bấm huyệt Nghinh Hương để trị bệnh, bạn có thể thực hiện châm cứu.

Các bước thực hiện như sau:

  • Đầu tiên, người bệnh xác định vị trí huyệt Xung Dương (giống như ở trên).
  • Thầy thuốc dùng kim châm cứu xiên vào vào da.
  • Các mũi kim châm xiên vào da khoảng 0,3-0,5 thốn.
  • Các kim châm hướng đến huyệt Tỵ Thông.
  • Trong quá trình châm cứu, thầy thuốc sẽ dựa vào tình trạng bệnh của bạn để kết hợp châm các huyệt khác để nhanh chóng thông mũi.

Lưu ý: Tình trạng nghẹt mũi khi mới khởi phát có thể áp dụng cách bấm huyệt Nghênh Hương để điều trị. Tuy nhiên với những trường hợp nghẹt mũi kéo dài trên 3 tuần, dịch mũi có màu, kèm theo sốt cao và ho, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Đặc biệt những người không hiểu rõ về châm cứu không nên tự thực hiện. Châm sai huyệt đạo có thể làm bệnh trở nặng, gây biến chứng nguy hiểm.

Châm cứu huyệt Nghinh Hương chữa viêm mũi dị ứng

Theo y học cổ truyền, châm cứu giúp kích thích lưu thông khí huyết. Từ đó giảm nhanh các cơn đau dai dẳng, lâu ngày không khỏi. Trường hợp bạn bị viêm mũi dị ứng ở mức độ nhẹ có thể thực hiện châm cứu để cải thiện tình trạng bệnh. Huyệt đạo châm cứu giúp chữa bệnh gồm có: Phù Du, Hợp Cốc, Phong Môn, Nghinh Hương…

Cách thực hiện châm cứu huyệt Nghinh Hương chữa viêm mũi dị ứng như sau:

  • Đầu tiên, thầy thuốc xác định vị trí huyệt Nghinh Hương, quan sát biểu hiện của người bệnh.
  • Sau khi quan sát, xác định vị trí huyệt, thầy thuốc dùng kim châm đâm vào các huyệt đạo.
  • Thời gian thực hiện châm cứu tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn.
  • Sau khi cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng, thầy thuốc sẽ đưa ra phương pháp giúp bạn phục hồi khả năng miễn dịch của cơ thể. Hoặc, giúp bạn điều chỉnh các phản ứng dị ứng.

Lưu ý: Nếu bạn đang có thai, hoặc mắc bệnh máu khó đông, trên da có nhiều vết sẹo, da nhiễm trùng,… không nên châm cứu chữa viêm mũi dị ứng.

Chữa viêm xoang bằng cách bấm huyệt Xung Dương (Nghinh Hương)

Viêm xoang gây ra các triệu chứng khó chịu như: Chảy nước mũi, mũi chảy dịch đậm và có màu, đau đầu, ngạt mũi, chảy dịch mũi sau,… Bạn có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt Nghinh Hương để chữa viêm xoang.

                                Bạn có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt Nghinh Hương để chữa viêm xoang

Cách làm như sau:

  • Người bệnh xác định vị trí huyệt Nghinh Hương.
  • Dùng 2 ngón trỏ bấm vào huyệt đạo trong vòng 2 phút.
  • Ngày thực hiện 2-3 lần giúp mũi thông thoáng, đồng thời giảm cảm giác đau nhức, sưng tấy, hạn chế chảy máu cam.

Ngoài xoa bóp bấm huyệt, bạn có thể châm cứu huyệt Nghinh Hương để chữa viêm xoang do Tỳ khí hư nhược, viêm xoang kinh Phế phong nhiệt, hoặc viêm xoang do Tỳ vị thấp nhiệt…

Lưu ý: Phụ nữ đang có thai, người bị đông máu, trầm cảm, rối loạn lo âu… không nên áp dụng phương pháp châm cứu chữa viêm xoang.

Trị giun chui ống mật

Giun chui ống mật tạo ra các triệu chứng như: Đau nhiều vùng hạ sườn phải, thượng vị, da trắng nhợt hoặc vàng da, miệng đắng, lưỡi đỏ, buồn nôn…

Theo Đông y, bạn có thể thực hiện châm cứu, kết hợp với dùng thuốc để cải thiện tình trạng này.

Theo đó, để chữa giun chui ống mật, thầy thuốc sau khi thăm khám, nắm bắt tình trạng bệnh sẽ thực hiện châm cứu. Châm tả các huyệt chính gồm: Tứ Bạch, Chi Câu, Túc Tam Lý, Dương Lăng Tuyền và Nghinh Hương. Khi châm cứu chữa giun chui ống mật, các mũi kim hướng đến huyệt Tứ Bạch. Tùy theo tình trạng bệnh, thầy thuốc có thể thực hiện châm cứu tại một số huyệt đạo khác.

Chữa các bệnh liên quan đến thần kinh mặt

Ngoài chữa các bệnh lý liên quan đến mũi, huyệt Nghênh Hương có khả năng điều trị một số bệnh lý liên quan đến thần kinh mặt như liệt mặt.

Nếu bạn bị liệt thần kinh mặt có thể thực hiện xoa bóp ấn huyệt Nghinh Hương cùng với 1 số huyệt đạo khác để cải thiện tình trạng bệnh. Cách làm như sau:

  • Bạn dùng tay day ấn huyệt Nghinh Hương khoảng 50 lần.
  • Day ấn huyệt Giáp Xa và Hạ Quan mỗi huyệt 50 lần (trường hợp nặng bạn có thể day ấn 100 lần).
  • Bạn dùng bàn tay day phần mặt bị lệch khoảng 40-50 lần cho đến khi mặt nóng lên.
  • Tiếp đó day 3 huyệt Ế Phong, Thái Dương và Phong Trì mỗi huyệt 50 lần.
  • Bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.

Lưu ý: Để tránh bệnh liệt cơ mặt, bạn không nên mở cửa đột ngột khi trời lạnh. Việc này có thể khiến các cơn gió độc xâm nhập gây liệt cơ mặt. Ngoài ra không nên để điều hòa, quạt thổi thẳng vào mặt.

Lưu ý khi bấm, châm cứu huyệt Nghinh Hương

Trong Đông y, xoa bấm huyệt là phương pháp điều trị nhiều bệnh lý. Phương pháp này thông qua huyệt đạo tác động trực tiếp vào các cơ quan thần kinh, mạch máu và da thịt của người bệnh, từ đó giúp thay đổi nội tiết, thể dịch, thần kinh, lưu thông khí huyết của người bệnh. Đồng thời nó cũng giúp lục phủ ngũ tạng trong cơ thể hoạt động tốt hơn.

Ngoài áp dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt người bệnh nên ăn nhiều rau củ quả

Cụ thể, như đã nói ở trên, xoa bấm, châm cứu huyệt Nghinh Hương giúp điều trị các bệnh lý về mũi, mặt, giun chui ống mật… Hiệu quả của châm cứu, bấm huyệt Nghênh Hương là không thể phủ nhận, nhưng người bệnh khi thực hiện cần lưu ý một số điều sau:

  • Nếu không am hiểu rõ về huyệt đạo, không nên tự bấm huyệt hay châm cứu tại nhà. Việc châm cứu, bấm sai huyệt, nhẹ gây đau nhức cơ thể, nặng gây nguy hiểm tính mạng.
  • Chọn cơ sở uy tín để thực hiện bấm huyệt, châm cứu.
  • Với những trường hợp có vết thương hở, kể cả vết thương kín cũng không nên bấm huyệt, châm cứu. Việc điều trị bằng phương pháp này sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Trường hợp các vết thương bị sưng tấy, ửng đỏ, hoặc lở loét tuyệt đối không bấm huyệt hoặc châm cứu. Việc này có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.
  • Không xoa bóp, bấm huyệt hay châm cứu khi người bệnh vừa uống rượu bia. Người ăn quá no hoặc quá đói cũng không nên thực hiện bấm huyệt, châm cứu.
  • Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị bạn nên kết hợp ăn uống và rèn luyện thân thể. Cụ thể bạn nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, uống đủ nước…

Huyệt Nghinh Hương là một huyệt đạo quan trọng trong hàng trăm huyệt đạo khác. Huyệt Nghinh Hương có khả năng điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên khi thực hiện châm cứu, bấm huyệt Nghinh Hương, bạn cần thận trọng, tránh sai sót, vì nó có thể đe dọa đến tính mạng.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về huyệt Xung Dương, hay còn gọi là Nghênh Hương, Nghinh Hương.

Sưu tầm bởi Okchances

 

Trả lời

error: Bài viết được bảo vệ!